Chuyên gia ủng hộ đề xuất không giảm phí trước bạ

Báo Lao Động vừa có loạt bài viết về việc cân nhắc không giảm phí trước bạ 50% với ôtô sản xuất trong nước. Nhiều chuyên gia cũng ủng hộ việc này.

Chuyên gia ủng hộ đề xuất không giảm phí trước bạ
Nhiều chuyên gia ủng hộ đề xuất không nên giảm phí trước bạ cho ôtô sản xuất trong nước của Bộ Tài chính. Ảnh: Anh Tú

Chính sách phải phù hợp với thời điểm

Trao đổi với Báo Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế – bày tỏ ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, các chính sách ra đời phải phù hợp với thời điểm áp dụng.

Trước đây, khi Bộ Tài chính áp dụng chính sách giảm phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng đã có nhiều phân vân. Các năm trước đó, khi đưa ra đề xuất này, các đơn vị xuất nhập khẩu ôtô cũng đã bày tỏ nhiều ý kiến.

Tuy nhiên, thời điểm đó, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, hầu hết các nước đều có chính sách ưu tiên xe ôtô sản sản xuất trong nước của mình. Vì vậy, sau khi cân nhắc các yếu tố, Bộ Tài chính vẫn áp dụng chính sách này.

“Tuy nhiên, hiện nay, tình hình đã khác. Do đó, khi cơ quan chức năng đề xuất giảm phí trước bạ với ôtô sản xuất trong nước đã vấp phải sự phản ứng. Nhiều đơn vị cho rằng, việc áp dụng chính sách này sẽ không công bằng theo cam kết quốc tế. Chúng ta cũng không có lý do đặc biệt nào để áp dụng ưu đãi”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa, chúng ta cần phải nhìn nhận là chính sách không giảm phí trước bạ với ôtô sản xuất trong nước phần nào góp phần giúp Việt Nam thực hiện tốt hơn cam kết với quốc tế xanh hóa nền kinh tế, đảm bảo Net zero.

Lý giải điều này, PGS Đinh Trọng Thịnh cho biết, ví dụ như tổng cầu của thị trường là 10 nghìn chiếc ôtô thì chúng ta vẫn chỉ bán được khoảng 10 nghìn chiếc ôtô. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ nhiều vào loại xe nào thì tỉ lệ bán được loại ôtô đó sẽ tăng lên. Do vậy, nhằm đảm bảo cam kết xanh hóa, các chính sách hỗ trợ tài chính cần tập trung vào các dòng xe ít xả thải, có yếu tố đảm bảo môi trường.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ với Báo Lao Động chính sách phát triển ôtô cần ưu tiên cam kết xanh hóa nền kinh tế. PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – cho hay, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như vậy các chính sách cần tập trung thúc đẩy người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm xanh, thay vì những sản phẩm có hại cho môi trường.

Lý do không áp dụng giảm phí trước bạ

Nêu lý do không áp dụng giảm phí trước bạ với ôtô sản xuất trong nước, trong tờ trình với Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, các bộ ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương có ý kiến rằng, việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ như dự thảo Nghị định sẽ vi phạm cam kết quốc tế, dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang.

Vì vậy, sau khi phân tích các ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Đánh giá về việc áp dụng lệ phí trước bạ các năm trước, Bộ Tài chính cho rằng, trước đây, sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu quả nhất định. Người dân, doanh nghiệp được hỗ trợ tài chính thông qua việc trực tiếp giảm chi phí đăng ký quyền sở hữu ôtô, từ đó kích thích nhu cầu, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh. Qua đó, hỗ trợ các nhà sản xuất và phân phối ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ được lượng ôtô tồn kho kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Song chính sách này không tránh khỏi “tác dụng phụ”. Bộ Tài chính cho hay, qua các năm, việc giảm mức thu lệ phí trước bạ cũng có tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) lần lượt là 7.314 tỉ đồng, 7.896 tỉ đồng và 5.238 tỉ đồng.

Nếu năm 2024 tiếp tục giảm mức thu lệ phí trước bạ, dự kiến NSNN sẽ giảm thu khoảng 5.200 tỉ đồng. Có thể nói, mỗi chính sách ra đời cần phải xét đến sự phù hợp với từng thời điểm. Chính sách giảm lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất trong nước đã hoàn thành được “sứ mệnh” của mình hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó sau COVID-19. Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng cần tính toán các chính sách khác phù hợp hơn thúc đẩy ngành ôtô tại thị trường Việt Nam.

Nguồn: Laodong.vn