Thông tư về tuần tra, kiểm soát giao thông sắp thay đổi

Thông tư về tuần tra, kiểm soát giao thông mới có hiệu lực từ 15.9.2023. Bộ Công an đang lấy ý kiến thay đổi Thông tư này.

Thông tư về tuần tra, kiểm soát giao thông sắp thay đổi
Bộ Công an đang dự thảo Thông tư mới về tuần tra, kiểm soát giao thông. Ảnh: Xuyên Đông

Trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ đăng tải, dự thảo Thông tư quy định quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.

Thông tư đang được lấy ý kiến đến hết ngày 26.9.2024. Thông tư này sẽ thay thế cho Thông tư số 32/2023/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an.

Trong tờ trình dự thảo thông tư mới, Bộ Công an cho biết, Thông tư số 32/2023/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây viết gọn là Thông tư số 32/2023/TT-BCA), có hiệu lực thi hành từ ngày 15.9.2023.

Qua gần 1 năm thực hiện, Thông tư số 32/2023/TT-BCA có một số nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế, phát sinh một số vấn đề mới: Cục Cảnh sát giao thông đã phối hợp với một số đơn vị liên quan xây dựng các phần mềm ứng dụng cài đặt trên thiết bị di động để áp dụng trong công tác tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông và tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình trật tự, an toàn giao thông do người dân cung cấp.

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 -2025 tầm nhìn đến 2030.

Bộ Công an đã triển khai tích hợp đồng bộ dữ liệu giấy phép lái xe, đăng ký xe của công dân trên tài khoản định danh điện tử (VNeID) và đồng bộ dữ liệu của hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông với hệ thống định danh và xác thực điện tử để hiển thị các trường thông tin trạng thái về giấy phép lái xe, đăng ký xe đang bị tạm giữ, tước quyền sử dụng, cơ quan tạm giữ, tước quyền sử dụng từ đó có cơ sở xác định được điều kiện của người điều khiển, phương tiện tham gia giao thông, phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

Về mặt pháp lý, đến nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ pháp lý ban hành Thông tư số 32/2023/TT-BCA đã thay đổi.

Tiêu biểu, ngày 27.6.2024, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.

Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thay thế các quy định trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28.12.2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng và Nghị định số 69/2024/NĐ-CP ngày 25.6.2024 quy định về định danh và xác thực điện tử.

Luật Căn cước ngày có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024. Trong đó tại khoản 1, khoản 3 Điều 32 (Kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử), quy định: “Hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử để khai thác thông tin của chủ thể danh tính điện tử phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường điện tử và các hoạt động quản lý nhà nước khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao qua nền tảng định danh và xác thực điện tử. Chủ thể danh tính điện tử khai thác, chia sẻ thông tin danh tính điện tử và thông tin khác của mình đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử với tổ chức, cá nhân khác qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Luật Giao dịch điện tử ngày, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2024. Tại khoản 3 Điều 1 quy định: Trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật này. Trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó.

Vì vậy, theo Bộ Công an việc ban hành Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an thay thế Thông tư số 32/2023/TT-BCA là cần thiết.

Nguồn: Laodong.vn