Hiện nay, loại hình xe đạp công cộng tại Đà Nẵng không còn được người dân và du khách ưa chuộng, xe để ngoài không có khu vực che chắn, dễ hư hỏng.
Từ tháng 3.2023, Đà Nẵng đã triển khai mô hình xe đạp công cộng với 61 trạm khoảng 600 chiếc được lắp đặt khắp các quận tại các vị trí gần trạm xe buýt để người dân và du khách thuận tiện sử dụng.
Thời gian đầu thí điểm, mô hình này có lượng người sử dụng đông, giới trẻ thường trải nghiệm vào khoảng 20h – 21h, thời điểm đó, nếu không đến sớm sẽ không còn xe để trải nghiệm.
Đến nay, Đà Nẵng vẫn giữ nguyên các điểm bố trí xe nhưng lại không còn đông người sử dụng như trước. Du khách cũng ít lựa chọn dịch vụ này.
Anh Võ Minh (quận Hải Châu) cho hay, anh đã sử dụng dịch vụ này từ lúc thành phố mới triển khai, tuy nhiên chỉ sử dụng vào buổi tối hoặc những ngày không nắng.
“Tôi thỉnh thoảng vẫn nạp tiền và đạp xe đi dạo thành phố, vào mùa thu hay đông thì có thể đạp nhiều hơn, còn đối với mùa hè thì Đà Nẵng nắng gắt nên không tiện cho việc đạp xe”, anh Minh cho hay.
Anh Minh còn cho rằng, mỗi người dân đều có phương tiện cá nhân, các điểm làm việc cách xa nhau nên việc di chuyển bằng xe đạp là thói quen khó thay đổi đối với nhiều người dân. Đối với du khách thì phương tiện này hợp lí hơn khi họ muốn ngắm Đà Nẵng một cách chậm rãi với chi phí phải chăng.
Bên cạnh đó, một số điểm bố trí xe ở những nơi không có bóng mát, không có khu vực che chắn nên xe phải chịu nắng mưa, dễ gây hư hỏng.
Sống gần điểm bố trí xe đạp công cộng, chị Kiều Liên (quận Cẩm Lệ) thường xuyên đi bộ gần khu vực đó và thấy ít người sử dụng xe, vào năm ngoái khi mới có mô hình này thì nhiều người phải đứng chờ để có xe sử dụng.
“Xe để ngoài trời nên khi nắng gắt hay mưa to đều không có đồ che, tôi không rõ là có hư hỏng gì không nếu cứ để ngoài thời gian dài thế này. Có những hôm xe bị ngã đổ lên nhau, có khách sử dụng để lại cũng không ngay ngắn”, chị Liên chia sẻ.
Được biết, việc phát triển mô hình xe đạp công cộng nhằm hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, góp phần thay đổi thói quen của người dân Đà Nẵng nói riêng và người dân Việt Nam nói chung trong việc bảo vệ môi trường, hướng tới cuộc sống xanh, sạch.
Tuy nhiên, đơn vị triển khai cũng cần thường xuyên nắm bắt tình hình, xu hướng để người dân và du khách thuận tiện trong việc sử dụng dịch vụ, ưu tiên sử dụng khi có nhu cầu để mô hình không bị lãng phí.
Nguồn: Laodong.vn