Đề xuất giảm 50% phí trước bạ ôtô “nội” chạy xăng, dầu liệu có đi ngược lộ trình Net Zero

Bộ Tài chính mới có công văn gửi các bộ, ngành, cơ quan liên quan xin ý kiến về việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong vòng 6 tháng (từ 1.8.2024 đến hết 31.1.2025). Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đề xuất trên không chỉ đi ngược lộ trình hướng tới Net Zero của Chính phủ mà còn có thể tạo ra hệ lụy tiêu cực cho nhiều lĩnh vực.

Đề xuất giảm 50% phí trước bạ ôtô “nội” chạy xăng, dầu liệu có đi ngược lộ trình Net Zero

Ngân sách hụt thu 9.000 tỉ đồng, hiệu quả kinh tế không như mong muốn

Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã 3 lần áp dụng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô lắp ráp, sản xuất trong nước. Mục đích giúp kích thích tiêu dùng trong nước, góp phần tháo gỡ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước, đồng thời người tiêu dùng cũng được hưởng lợi.

Tuy nhiên, thực tế theo các chuyên gia, cách giảm lệ phí trước bạ không thực sự mang lại hiệu quả về kinh tế như mong muốn.

Ông Nguyễn Minh Đồng – chuyên gia ôtô từ Công ty Devitec Consult – tư vấn công nghệ kỹ thuật Đức – Việt nhận định, việc giảm lệ phí trước bạ thường khiến thị trường chững lại ở giai đoạn trước khi áp dụng để dồn mua vào thời điểm giảm phí.

“Thị trường sẽ tăng tốt hơn vào thời điểm chính sách hỗ trợ này gần hết hiệu lực. Sau khi hết thời gian ưu đãi, thị trường lại ảm đạm. Nhiều người muốn mua mới lại rơi vào chờ đợi. Việc giảm phí trước bạ trong vài tháng sẽ không giúp ngành này mạnh lên mà giống như “giải cứu” thanh long, dưa hấu” – ông Đồng nói.

Cũng về hiệu quả kinh tế, theo tính toán của Bộ Tài chính, việc ưu đãi lệ phí đồng nghĩa ngân sách sẽ hụt thu khoảng 8.000-9.000 tỉ đồng. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn, khoản tiền này có thể ưu tiên để sử dụng cho những vấn đề dân sinh cấp thiết khác, thay vì “ưu đãi cho người giàu”.

Trao đổi với Lao Động, ông Trương Đăng Tân – Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe – Học viện Quốc tế – cho biết, việc giảm thuế phí với xe xăng cần được cân nhắc kỹ lưỡng vì Chính phủ cần cân đối ngân sách để chọn giải pháp tốt nhất.

Theo ông, trước đây khi dịch COVID-19 đè “gánh nặng” kinh tế lên doanh nghiệp và người lao động, dẫn tới chi tiêu cần thắt chặt. Điều đó khiến cho sản lượng tiêu thụ của thị trường ôtô giảm nghiêm trọng. Ngay sau đó, Chính phủ đã quyết định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng và làm tăng tổng thu ngân sách.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mọi thứ trở lại bình thường, cần cân nhắc việc giảm phí trước bạ với xe xăng trong nước. “Điều đó sẽ tốt hơn là việc chỉ giải quyết một vài yêu cầu của các nhà lắp ráp ôtô sử dụng nhiên liệu hóa thạch” – ông Tân nói.

Đi ngược lộ trình Net Zero

Rộng hơn, điều khiến các chuyên gia kinh tế lo lắng là sự phân biệt đối xử trong chính sách sẽ tạo tác động tiêu cực tới các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Không chỉ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của Việt Nam, việc ưu đãi phân biệt có thể còn khiến nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam bị “trả đũa”. Đây là vấn đề cần cân nhắc kỹ bởi thiệt hại về kinh tế là rất lớn.

Ở góc độ môi trường, việc giảm lệ phí theo đánh giá còn đi ngược với lộ trình Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ.

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – Giảng viên Cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – cho biết, chính sách miễn giảm phí nên quan tâm đến thị hiếu và xu hướng tiêu dùng của người dân bởi người tiêu dùng đang ngày càng trở nên thông thái, bắt đầu thay thế xe xăng bằng xe điện.

Đáng nói, PGS.TS Lạng nhấn mạnh, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như vậy các chính sách cần tập trung thúc đẩy người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm xanh, thay vì những sản phẩm có hại cho môi trường.

Nỗi lo vi phạm cam kết và đi ngược xu hướng

Dù đề xuất giảm mức thu lệ phí trước bạ với xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, nhưng Bộ Tài chính vẫn chia sẻ nhiều băn khoăn, trong đó có nỗi lo về tác động đối với cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ Tài chính cho hay thời gian qua, Việt Nam đã nhận được nhiều yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng giữa ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và ôtô nhập khẩu từ quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.

Nguồn: Laodong.vn