Có người bạn định cư ở Úc về Việt Nam chơi và được rủ đi Quảng Ninh tham quan. Mọi việc chuẩn bị hoàn tất cho đến khi khởi hành, anh bạn hỏi là đã có biển cảnh báo trong trường hợp bắt buộc phải dừng đỗ chưa. Khi chủ xe nói không có, anh bạn nhất quyết từ chối không đi.
Đi trên đường, nhất là cao tốc, thì sự cố bắt buộc phải dừng đỗ không phải là hiếm. Nhưng làm thế nào để an toàn?
Vụ va chạm khiến hai người tử vong ở cao tốc Hà Nội – Hải Phòng gần đây, theo cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu vụ tai nạn được xác định do xe bán tải đi chậm để tránh chướng ngại vật, xe 16 chỗ va chạm vào phía sau (va chạm nhẹ). Sau đó các lái xe đứng đầu xe 16 chỗ tranh cãi thì ôtô 4 chỗ từ phía sau đâm vào khiến 2 trong số 3 người tử vong.
Một vụ việc tương tự cũng xảy ra trên cao tốc này năm 2016, nguyên nhân ban đầu được xác định lỗi do tài xế khi dừng xe trên đường cao tốc để thay lốp đã lấn chiếm một phần đường xe chạy, nhưng không đặt biển cảnh báo nguy hiểm. Mặc dù người còn lại đứng ngoài làm nhiệm vụ cảnh báo nhưng khi xe bồn chở xăng đi tới đã không quan sát được xe đang dừng đỗ nên tông thẳng vào.
Gần hơn, vụ tai nạn giữa xe khách và xe tải trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn tối 10.3.2024, nguyên nhân ban đầu được xác định cũng là do xe tải khi dừng đậu trên đường cao tốc đã lấn chiếm một phần đường xe chạy và đỗ xe nhưng không đặt báo hiệu cảnh báo nguy hiểm theo quy định.
Chưa nói đến vấn đề pháp lý trong các trường hợp trên, nhưng giả dụ thế này: Nếu khi xe buộc phải dừng đỗ trên cao tốc (sự cố kỹ thuật, va chạm nhẹ) mà có thiết bị cảnh báo đặt ở một khoảng cách đủ an toàn thì liệu có hạn chế được thiệt hại về người và tài sản không?
Thiết bị ấy, thực ra trên thị trường rất rẻ, đó là biển tam giác cảnh báo bằng tam giác phản quang có thể cất rất gọn gàng trên xe. Hoặc có thể là chóp nón cảnh báo.
Thiết bị ấy có thể cứu cả mạng người để cảnh báo nguy hiểm khi xe dừng, đỗ giữa đường do hỏng hóc, trục trặc về máy móc, giúp người điều khiển xe khác từ phía sau nhận biết và xử lý tình huống kịp thời.
Qua nhiều vụ tai nạn trên cao tốc, lực lượng cảnh sát giao thông từng đề nghị các chủ xe trang bị cho mỗi phương tiện tối thiểu 3 chóp nón hoặc 3 biển tam giác phản quang. Khi gặp sự cố, các tài xế đặt ngay chóp nón hoặc biển tam giác phản quang phía sau xe, để cảnh báo với khoảng cách tối thiểu 50m trên quốc lộ và 100m trên tuyến cao tốc.
Ngoài ra, các chủ xe cần trang bị áo phản quang để mặc khi xử lý sự cố trên đường vào thời điểm trời tối, sương mù và ban đêm.
Nguồn: Laodong.vn