Theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất xe thô sơ phải có đèn chiếu sáng.
Theo các chuyên gia giao thông, các phương tiện thô sơ cần trang bị thêm đèn chiếu sáng, đèn cảnh báo hay tấm phản quang giúp tăng khả năng nhận diện của xe trên đường, cảnh báo các phương tiện tham gia giao thông khác, từ đó, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông.
Do đó, Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Yêu cầu, xe đạp, xe đạp máy, xe xích lô phải đảm bảo các điều kiện khi hoạt động như hệ thống hãm, có còi (chuông) và phải có đèn chiếu sáng hoặc tấm phản quang ở phía trước, phía sau.
Theo các chuyên gia, các điều kiện trên hoàn toàn phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo an toàn cho người điều khiển xe thô sơ cũng như các phương tiện tham gia giao thông khác khi di chuyển trên đường.
Đặc biệt vào thời điểm ban đêm hoặc tờ mờ sáng, tầm quan sát hạn chế do điều kiện ánh sáng yếu, cộng với yếu tố ngoại cảnh đường vắng khiến nhiều tài xế có tâm lý chủ quan không chú ý quan sát, là thời điểm thường xảy ra các vụ tai nạn giao thông.
Liên quan đến vấn đề này luật sư Vũ Văn Toàn – Công ty Luật TNHH Tản Viên Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, tại Khoản 2, Điều 56, Luật giao thông đường bộ năm 2008, quy định về điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ tại địa phương là: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ tại địa phương mình”.
Theo đó, điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ tại địa phương là do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định và hiện một số địa phương cũng đã quy định về điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ. Trong đó, xe hoạt động ban đêm phải có đèn, có tấm phản quang để xác định kích thước xe và có chuông…
Cũng tại Điểm i khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ trong đó có điều khiển xe thô sơ đi ban đêm không có báo hiệu bằng đèn hoặc vật phản quang có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.
Theo đó, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2025) quy định xe thô sơ bao gồm: Xe đạp (là xe có ít nhất hai bánh và vận hành do sức người thông qua bàn đạp hoặc tay quay); Xe đạp máy (gồm cả xe đạp điện, là xe đạp có trợ lực từ động cơ, nguồn động lực từ động cơ bị ngắt khi người lái xe dừng đạp hoặc khi xe đạt tới tốc độ 25km/h); Xe xích lô; Xe lăn dùng cho người khuyết tật; Xe vật nuôi kéo và các loại xe tương tự.
Nhằm cụ thể hóa quy định trên thì các cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng và hiện nay đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong đó có điều kiện hoạt động của xe thô sơ (Điều 24).
Quy định này được thiết lập để đảm bảo an toàn giao thông trong điều kiện ánh sáng yếu, giảm nguy cơ tai nạn và đảm bảo tầm nhìn cho các phương tiện khác trên đường. Việc yêu cầu các phương tiện thô sơ trang bị thêm đèn chiếu sáng, đèn cảnh báo, còi hoặc chuông hay tấm phản quang nhằm giúp tăng khả năng nhận diện của xe trên đường, cảnh báo các phương tiện tham gia giao thông khác,
Ngoài ra, quy định trên còn nhằm mục đích chung là đảm bảo an toàn giao thông, giảm nguy cơ tai nạn và tạo ra một môi trường di chuyển an toàn, có trật tự trên các tuyến đường.
Như vậy, với quy định trên hoàn toàn phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo an toàn cho người điều khiển xe thô sơ cũng như các phương tiện tham gia giao thông khác khi di chuyển trên đường. Việc tuân thủ những quy định này không chỉ là trách nhiệm pháp luật mà còn là trách nhiệm cá nhân, đóng góp vào sự an toàn chung của cộng đồng giao thông, từ đó, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông.
Nguồn: Laodong.vn